Đọc sách một cách chủ động và thích thú sẽ giúp trẻ tích lũy được những kỹ năng, nhận thức và kinh nghiệm cần thiết cho cuộc sống sau này.

Nếu thấy bạn thích đọc sách thì trẻ cũng như vậy. Bạn có thể đọc bất kỳ cuốn sách nào: tiểu thuyết, tạp chí, sách dạy nấu ăn,… để tạo hứng thú đọc cho trẻ.

Hãy đọc và viết thường xuyên trước mặt trẻ. Bạn có thể viết một lá thư, một danh sách cần mua sắm dán trên tủ lạnh, chép một bài thơ vào cuốn sổ nhỏ, ghi các câu thành ngữ, tục ngữ lên bảng, chơi trò chơi ô chữ,…

1.Cách cầm một cuốn sách

Hướng dẫn trẻ cách cầm một cuốn sách đang mở bằng hai tay. Nếu không, trẻ sẽ có xu hướng chỉ cầm một trong hai bìa sách và để các trang rơi xuống phía dưới.

2. Lật trang sách

Bạn để trẻ ngồi thoải mái trên ghế. Sau đó, bạn ngồi xuống bên phải trẻ và hướng dẫn trẻ cách lật một trang sách: “Con nhìn mẹ lật trang sách rồi con tự làm nhé!”

Bạn cần sử dụng ngón cái và ngón trỏ lật trang sách thật nhẹ nhàng, hướng dẫn trẻ thật chậm. Và chú ý, đừng nói trong khi hướng dẫn để trẻ tập trung chú ý vào hoạt động.

3. Xếp sách lên giá

Hướng dẫn trẻ cách sắp xếp các cuốn sách lên giá. Chỉ cho trẻ cách xếp quyển này cạnh quyển kia như thế nào. Giữ sách bằng tay trái trước khi đẩy chúng vào cạnh các cuốn khác để tránh việc ấn sách vào giá. Hãy làm thật chậm, cẩn thận và nhiều lần. Việc luyện tập thường xuyên sẽ giúp trẻ biết chiều cầm cuốn sách, cách lật trang sách và cất lên giá.


4. Đọc to một câu chuyện

Hãy cố gắng dành thời gian ít nhất một lần trong ngày, vào một thời điểm nhất định nào đó để đọc sách cho trẻ. Hãy cùng trẻ quyết định số lượng cuốn sách đọc khi trẻ còn nhỏ và số chương sẽ đọc khi trẻ lớn hơn. Các tranh minh họa sẽ thu hút chú ý của trẻ và ngay từ đầu, chúng sẽ giúp trẻ hình dung ra nội dung cuốn sách.

5. Nên bắt đầu đọc sách từ đâu và đọc như thế nào?

Khi bạn đọc sách cho trẻ, đừng bắt đầu ngay vào nội dung chính. Đầu tiên, hãy đọc tiêu đề cuốn sách, sau đó là tên tác giả và họa sĩ vẽ minh họa. Giải thích cho trẻ về vai trò của họ trong cuốn sách. Thỉnh thoảng trong lúc đọc, bạn vừa đọc vừa dùng tay chỉ theo từng chữ để giúp trẻ làm quen với mặt chữ. Khi trẻ lớn hơn, hãy cùng xem phần tóm tắt và giải thích cho trẻ nội dung có trong phần phụ lục: số trang, số chương, tiêu đề từng chương.

6. Sắp xếp góc đọc truyện trong phòng của trẻ

Hãy làm một giá sách phù hợp với chiều cao của trẻ để trẻ có thể tự chọn sách khi muốn. Điều này được thực hiện ngay khi trẻ bắt đầu biết bò. Gần giá sách bạn có thể để vài chiếc gối, một chiếc đệm nhỏ…hoặc đặt một chiếc ghế bành phù hợp với vóc dáng của trẻ. Thú vui đọc sách luôn gắn với tư thế ngồi thoải mái khi đọc.


7. Lựa chọn sách phù hợp với trẻ

Đặt sẵn một số quyển sách trong góc đọc sách. Thỉnh thoảng thay đổi những quyển sách đó nhưng vẫn giữ lại cuốn mà trẻ yêu thích. Khi lựa chọn, hãy cố gắng đảm bảo có ít nhất một cuốn sách khoa học và một cuốn học hát, tuyển tập thơ thiếu nhi.

8. Những cuốn sách phù hợp với trẻ

Hãy dựa vào cảm nhận và sở thích của bản thân để chọn những cuốn sách có nội dung hay và hình minh họa đẹp cho trẻ. Trẻ sẽ vui vẻ lắng nghe cuốn sách mà bạn yêu thích. Nếu trẻ thích một cuốn sách nào đó, trẻ sẽ đòi bạn đọc đi đọc lại nhiều lần. Điều quan trọng là cả bạn cũng cảm thấy hứng thú.

9. Đến thư viện

Hãy thường xuyên cùng trẻ đến thư viện, ở đó những thủ thư sẽ có nhiều lời khuyên hữu ích về các cuốn sách phù hợp với trẻ. Hơn nữa, nhiều thư viện còn tổ chức các hoạt động liên quan đến sách như gặp gỡ, trò chuyện với tác giả,… Đối với trẻ nhỏ, đây là một hướng đi mới để tìm hiểu và khám phá những cuốn sách.

10. Tới các hiệu sách

Bạn có thể mua sách cho trẻ bằng cách cùng trẻ tới hiệu sách và lựa chọn những cuốn trẻ thích. Các cửa hàng sách thiếu nhi là những địa điểm khá tuyệt vời. Người bán hàng rất thích nói chuyện, thảo luận với trẻ em và đưa ra lời khuyên cho trẻ về những loại sách hay. Thông thường, các cửa hàng sách còn có một không gian ấm cúng để chào đón trẻ đến mua sách và xem sách.