Nói “không” với con chưa bao giờ là một điều dễ dàng. Nhưng nếu bạn không kiên quyết tuân thủ thì không thể mong có được những đứa trẻ thành tài.
Stefen Chow là một ông bố nổi tiếng sống tại Bắc Kinh, có niềm đam mê với nghệ thuật nhiếp ảnh và leo núi. Phương châm của anh về cuộc sống là có thể làm được những điều mình yêu thích. Vì thế, với hai con của mình, anh luôn khuyến khích chúng được tự do phát triển và sáng tạo. Chia sẻ về việc nuôi dạy con, Stefen cho rằng “Tất cả trẻ em đều bình đẳng, nhưng một số trẻ em bình đẳng hơn những người khác”.
Các gia đình ngày nay sinh ít con hơn, cả bố và mẹ đều tập trung tình yêu, tài nguyên của họ vào những đứa trẻ nhiều hơn. Điều đó có nghĩa là các con được đối xử như những công chúa và hoàng tử nhỏ dễ thương. Kết quả là trẻ con ngày nay dường như quá được nuông chiều trở nên thô lỗ với người cao tuổi và tự tin thái quá về sự giỏi giang của mình.
Từ nhận xét ấy, Stefen bắt đầu tìm kiếm những đứa trẻ mẫu mực ở Trung Quốc, Singapore, Malaysia hoặc Mỹ, để rồi rút ra kết luận chung về nguyên tắc nuôi con thành công nhờ kinh nghiệm của các cha mẹ ở những nước này. “Đó là nhất định học cách Có thể nói không với các con”
Nói “Không” với con cái dường như là một sự tàn nhẫn bởi chúng ta thực sự có khả năng đáp ứng cho con. Tuy nhiên, việc nói “Có” với con cái mọi lúc – “có” khi con muốn ăn thêm bánh, “có” khi con muốn chơi thêm… là sự đối lập trực tiếp của tình yêu chúng ta muốn trao cho con cái. Điều đó là nuông chiều con, làm cho chúng cảm thấy chúng đặc biệt đến nỗi tốt hơn tất cả mọi người.
Nói “Không” là phản ứng với những gì chúng ta cảm thấy, nhưng nó là một từ mạnh mẽ. Điều đó sẽ cho các con biết chúng không phải là “ông chủ” trong ngôi nhà này.
Qủa vậy, người Do Thái được xem là dân tộc thông minh nhất thế giới. Chỉ với chưa đầy 13 triệu dân nhưng chiếm gần 40% tỷ lệ người đoạt giải Nobel. Thành tựu của dân tộc Do Thái luôn là nỗi ám ảnh và thèm khát của nhân loại.
Mẹ Do Thái nổi tiếng là chuyên gia đào tạo dạy con theo cách rất nghiệt ngã mà chúng ta vẫn quen nói “vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương”. Đặc biệt mẹ Do Thái luôn nói không với 421. Nghĩa là không bao giờ có chuyện 4 ông bà nội ngoại cùng 2 bố mẹ tập trung xoay quanh 1 đứa trẻ.
Mẹ Do Thái cho rằng: Tâm lý trẻ nói chung rất hay đòi hỏi thỏa mãn mong muốn trở thành rốn của vũ trụ. Thế nhưng trẻ Do Thái đã được tôi luyện ngăn chặn mọi luồng tư tưởng đòi hỏi này. Mọi hoạt động vui chơi giải trí không nằm trong giới hạn cho phép đều bị cấm tiệt. Con muốn có tiền tiêu vặt hay món đồ chơi mới ư? Hãy tự kiếm tiền và mua nó nếu con thực sự muốn.
Đồng quan điểm, cha mẹ Pháp cho rằng: nếu cha mẹ không biết từ chối thẳng, nói ‘Không’ dứt khoát với trẻ, đồng nghĩa, trẻ sẽ không có khuôn phép còn cha mẹ trở thành người thiếu quyền uy. Phụ huynh Pháp luôn hành xử theo ‘luật’ nhất định trong việc dạy con. ‘Luật’ là có những giới hạn cụ thể mà trẻ phải chấp hành nhưng ngược lại, các phụ huynh Pháp giao cho trẻ khá nhiều quyền tự do và độc lập, miễn là chúng cư xử theo khuôn phép.
Các mẹ Pháp cho rằng: Uy lực là một trong những sắc thái ấn tượng nhất trong cách dạy con của người Pháp – và có lẽ là kỹ năng khó nhất cho các bậc cha mẹ. Nhiều vị phụ huynh Pháp có được uy lực một cách dễ dàng, tự nhiên, và bình thản trước con cái.
Đó là điều khiến trẻ em Pháp thực sự phải nghe lời cha mẹ, thay vì tảng lờ, cãi lời, hoặc kỳ kèo. Điều quan trọng nhất khi nói ‘Không’ với trẻ là sắc thái giọng nói. Không phải cứ gằn giọng rít lên từng tiếng hay quát thật to mà trẻ nghe lời mà cha mẹ phải nói một cách dứt khoát, tự tin kèm theo sắc mặt nghiêm nghị thì lời nói đó mới có trọng lượng.
Rõ ràng, khi ta nói không với con nghĩa là cho con thông điệp việc đó sai, không nên thực hiện. Nhưng sau đó ta lại đồng ý. Vậy là ta đang tự mâu thuẫn và làm cho con không phân biệt được đúng sai, lẫn lộn giữa việc nên làm và không nên làm. Cứ thế, một cách hồn nhiên, bọn trẻ tiếp tục sống theo những đòi hỏi, mong muốn cá nhân.
Quyền uy của bố mẹ thể hiện khi lời nói đi đôi với việc làm. Không chỉ ở chuyện mua đồ chơi hay không mà còn thể hiện trong rất nhiều việc khác nữa. Chẳng hạn như ta bảo con không được chơi ở chỗ nguy hiểm nhưng khi nhìn thấy con chơi ở đó ta vẫn không xử phạt. Ta bảo con phải đi ngủ nhưng con vẫn thản nhiên như không nghe gì và tiếp tục chơi những trò hưng phấn mà ta vẫn bơ đi, mặc kệ… Thái độ bất lực với tư cách làm cha mẹ sẽ khiến con cái mất dần niềm tin và ta cũng đang đánh mất sức mạnh của mình.